Hướng dẫn cho bạn tự hồi phục sức lực khi bị choáng, căng thẳng hay mệt mỏi bằng một “công phu” đơn giản nhất

HÀI NHI 

Hướng dẫn cho bạn tự hồi phục sức lực khi bị choáng, căng thẳng hay mệt mỏi bằng một “công phu” đơn giản nhất : Nằm duỗi thẳng, hai tay buông dọc theo thân. Từ từ hít sâu, đưa hơi thở xuống bụng giữ lại một lúc (tụ khí đan điền). Từ từ thở ra. Toàn cơ thể thả lỏng, chỉ tập trung vào hơi thở. Tiếp tục hít vào thở ra đúng như trên khoảng 5-10 phút, cơ thể sẽ trở lại trạng thái khỏe khoắn bình thường. Tùy điều kiện hoàn cảnh, có thể đứng hay ngồi, hiệu quả cũng như nhau, nhưng nằm là tiện nhất. Bạn có vẻ không tin mấy. Thường cái gì đơn giản dễ làm, có rất ít người tin. Nhưng tôi đã tự hồi phục sức lực trong suốt hơn 20 năm chỉ bằng phương pháp đơn giản này.

Đó chính là cách thở của một hài nhi. Toàn bộ các môn luyện tập liên quan đến hơi thở, từ thiền, yoga, khí công, dù lý thuyết được diễn giải rối rắm tới đâu cũng đều hướng người luyện đưa hơi thở về trạng thái của một hài nhi. Những đứa trẻ từ khi sinh ra đã thở tự nhiên như thế, đó là cách thở “đúng” nhất. Chúng ta cũng từng thở như thế, nhưng khi lớn lên, do vội vã trở thành ông nọ bà kia nên chúng ta thở “tắt”, chúng ta đã quên mình đã từng thở “đúng”, đó là lý do chúng ta mau già và dễ sinh bệnh tật. Giờ để trở lại cách thở như cũ, chúng ta phải luyện.

Đọc cuốn “Thiền trong nghệ thuật bắn cung”, tôi để ý thấy vị đại sư cũng bảo đệ tử đứng cầm cung và thở đúng như cách tôi nói ở trên. Ý của ông cũng không khác gì bảo cung thủ phải trở về trạng thái của một hài nhi. Khi người học nắm cung tên, ông bảo nắm chặt nhưng không được dùng sức. Ông nói hãy nhìn một hài nhi, nó nắm vật gì là nắm rất chặt và thả ra rất dứt khoát nhưng không hề dùng sức. Vì sao vậy ? Vì đứa trẻ nắm hoặc thả vật gì đều không có mục đích. Ông bảo, nghệ thuật không có mục đích.

Rất có lý. Và không chỉ đúng với nghệ thuật. Theo Jared Diamond, tác giả những bộ sách nổi tiếng về lịch sử loài người, thì “hầu hết các phát minh đều ra đời bởi những người vốn dĩ thích tò mò hoặc tính ưa táy máy”. Những phát minh vĩ đại nhất tạo ra những đột phá trong lịch sử nhân loại ban đầu cũng chẳng nhằm mục đích gì cả, sau một thời gian dài người ta mới đem ra áp dụng chúng cho những mục đích khác nhau. Chúng được khám phá từ những người có tâm hồn vô tư thơ dại và ham chơi.

Không phải ngẫu nhiên mà Đức Ki-tô nói thiên đường chỉ dành cho trẻ nhỏ, rằng chúng ta chỉ có thể đến được nước Chúa khi tâm hồn chúng ta trở lại sự hồn nhiên thơ trẻ, thứ đã bị những tham vọng của chúng ta đánh mất. Lời của Chúa không chỉ là chuyện tâm linh. Trong chuyện này Ki-tô giáo hội tụ với Phật.

Và bạn hãy để ý. Chẳng có kẻ tham lam cay cú nịnh trên nạt dưới nào có thể là người sáng tạo, nhưng mà thôi không nói nữa. Ai thích thì nghe, ai không thích thì thôi, miễn tranh cãi với những người cay cú.        

FB HOÀNG HẢI VÂN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

CÂY KEO LÀ CÂY GÌ? CÁCH TRỒNG CÂY KEO

Những câu thơ về CUỘC SỐNG

CÂY LÁ GAN